Vốn ít, có nên đầu tư vào bất động sản trong năm 2019?

Với số tiền nhàn rỗi ít nhưng vẫn muốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, thì nên đầu tư vào đâu, thị trường nào? Dưới đây, bạn sẽ được giải đáp bởi Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam - Nguyễn Văn Đính.

Tại hội thảo "Kịch bản bất động sản Việt Nam 2019 nhìn từ những xung lực mới" diễn ra vào chiều 23/12, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng với số tiền dưới 2 tỉ đồng vốn nhàn rỗi, ông khuyên mọi người không nên đầu tư căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM vì khả năng tăng giá không cao.

Nguyên nhân được ông Đính đưa ra là, mặt bằng giá đã ổn định, và hai thị trường này không còn nhiều nhà đầu cơ.  

Thống kê 3 quý đầu 2018, ông Đính cho biết, nguồn cung các căn hộ đạt trên 100.000 căn, tăng 20.000 căn so với năm trước. Lượng giao dịch thành công đạt gần 70.000 căn, một con số rất sáng của năm 2018. 

Trong đó, phân khúc nhà ở giá thấp chiếm 30-40% tổng sản lượng đưa ra thị trường. Phân khúc cao cấp năm 2018 cũng chiếm trên 30% sản phẩm tung ra thị trường. 

Theo ông Đính, trong các sản phẩm giao dịch thành công, tỷ trọng được phân bố rất đều từ căn hộ cao - trung đến nhà ở giá thấp, phù hợp với nhu cầu cung - cầu của thị trường. 

Lãnh đạo VARS nhận định, giới đầu cơ giờ chuyển sang các thị trường có tốc độ phát triển mạnh vì có mức tăng giá lớn. Về đất nền, không nên mua đất không rõ ràng về pháp lý. Nên mua các dự án tập trung, ở địa phương có tốc độ phát triển mạnh, có đầu tư nhiều về hạ tầng.

"Không nên đầu tư căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM vì khả năng tăng giá không cao", theo ông Nguyễn Văn Đính.

Theo ông Đính, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng còn rất nhiều tiềm năng. “Chúng ta có lợi thế về cảnh quan, khí hậu, ẩm thực. Trong khi condotel ở nước ta đang có ngưỡng giá rẻ so với các nước trong khu vực. Do thị trường chúng ta mới phát triển nên đầu tư sẽ hiệu quả”, đại diện VARS nhận định. 

Đưa ra nhận định tại hội thảo, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam tại Hà Nội, cho rằng đất nội thành khu vực TP.HCM hiện nguồn cung đang sụt giảm, do thành phố đang kiểm soát lại việc cấp phép các dự án mới trong nội thành. Do đó các nhà đầu tư bất động sản sẽ phải đi ra xa hơn để xây dự án. 

“Tôi tin từ 2019 trở về sau, các đô thị khác ngoài thị trường truyền thống là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng sẽ phát triển. Có thể kể tới như: Vũng Tàu, Cần Thơ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng... sẽ là nơi các nhà đầu tư tìm đến. Việc đó sẽ làm các nhà đầu tư phân tán rủi ro mang tính địa lý”, ông Quang dự báo.  

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp đánh giá, các tỷ lệ về xu hướng đầu tư hiện khá cân bằng, cho thấy sự chuyên biệt, chuyên nghiệp hóa. Đáng chú ý, từ 2016 - 2018, nhiều nhà đầu tư thích đầu tư xa trung tâm Hà Nội, TP.HCM.  

Tuy nhiên, vị này cho rằng, năm 2019 sẽ có sự khác biệt, nhiều nhà đầu tư sẽ quay về đầu tư bất động sản nội đô.

Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2018 có thể tóm tắt qua các yếu tố: thị trường phát triển ổn định, có “sóng” nhưng khá tốt; có hai sản phẩm có thể được coi là "hot": nhà giao ngay và nhà giá thấp. 

Thị trường có thể chia làm ba giai đoạn: từ đầu năm đến giữa tháng 5 là gần chạm bong bóng; nửa cuối tháng 5 đến nửa đầu tháng 9 là suy giảm không đóng băng; giai đoạn từ đó đến nay là hồi phục và tìm các chiều hướng đi lên.
 
Đối với thị trường bất động sản năm 2019, tôi cho rằng có ba điểm nghẽn từ 2018 sẽ kéo dài sang 2019.
 
1. Xét về mặt thể chế, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng tác động mạnh đến đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, việc mở rộng các nguồn cấp vốn là rất cần thiết và phải có thể chế cho nó, như tạo ra khuôn khổ thể chế về condotel, quỹ đầu tư và các loại hình khác.
 
2. Năm 2018 và 2019, chúng ta chưa thấy bóng dáng của các chính sách tài chính với thị trường bất động sản. Đặc biệt quỹ tín thác là giải pháp có thể tốt nhất cho thị trường bất động sản nhưng chưa được thực hiện.
 
3. Các thành tố tham gia thị trường trong nước và nước ngoài, các bên liên quan cần tham gia nhiều hơn nữa. Chúng ta cần mở cửa, nhưng cần phải kiểm soát, như dòng tiền nước ngoài có thể được đổ vào nhiều, nên phải biết thế nào là đủ. Năm 2018, chúng ta đã vận dụng được, nhưng 2019 phải trong tầm kiểm soát phù hợp.
 
Ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Theo Cafeland