Thị trường bđs 2019: Đầu tư tưởng không lời mà lời không tưởng

Thứ 7, 10/08/2019, 12:00

Mặc dù thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2019 có nhiều biến động, tuy nhiên vẫn giúp tạo ra lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư khi xuống tiền trong lĩnh vực này.


Hình ảnh minh họa: Internet

Thị trường "lao dốc"

Tại buổi tọa đàm "Đón sóng đầu tư cổ phiếu bất động sản, xây dựng cuối năm 2019" diễn ra mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố đang "lao dốc" và gặp nhiều khó khăn trong hơn 6 tháng vừa qua. Trong đó, không chỉ số lượng dự án bị sụt giảm và thị trường bất động sản cũng "trượt dài" ở nhiều phân khúc.

Cụ thể, số lượng dự án bị sụt giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, trong số các dự án trình lên UBND TPHCM phê duyệt thì chỉ có 3 dự án mới được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra, toàn thành phố chỉ có 24 dự án được công nhận đủ điều kiện huy động vốn.

Số lượng dự án bị sụt giảm cũng là nguyên nhân dẫn đến việc lệch pha cung - cầu trong kinh doanh bất động sản. Số lượng căn hộ bình dân trên thị trường bị sụt giảm tới 41%. Tỉ lệ căn hộ cao cấp cung ứng ra thị trường cũng giảm khoảng 34%.

Theo ông Châu, thị trường bất động sản gặp khó khăn cùng việc số lượng dự án giảm đã có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế nói chung và nguồn thu ngân sách nhà nước nói riêng.

Thực tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, nguồn thu ngân sách nhà nước từ việc thu tiền sử dụng đất đã sụt giảm 60% so với cùng kỳ. Riêng đối với nguồn thu FDI, vốn đầu tư FDI vào bất động sản thời gian qua chỉ có khoảng 225 triệu USD. Thêm nữa, thị trường bất động sản khó khăn cũng làm cho nhiều ngành nghề khác "đi thụt lùi" trong nửa đầu năm 2019.

"Bức tranh chung của thị trường bất động sản trong 7 tháng vừa qua là gặp nhiều khó khăn. Mà khó khăn nhất là khi nó gây ra những tác động đến các lĩnh vực khác. Trong đó, tôi thấy ở 20 doanh nghiệp xây dựng cực lớn tại Việt Nam thì tùy theo từng doanh nghiệp mà số lượng hợp đồng sụt giảm từ 30 - 60% trong thời gian qua", ông Châu nói.

Dùng bất động sản để… “nấu các món ngon”

Mặc dù báo cáo của HoREA cho thấy thị trường bất động sản đang lao dốc nhưng góc nhìn của các chuyên gia kinh tế thì bất động sản vẫn là kênh sinh lời, hấp dẫn nhà đầu tư.

Bà Lê Thị Bích Phượng, Giám đốc Khối bán lẻ của ngân hàng Techcombank cho rằng, trong những khoản thu của ngân hàng thì việc kiếm lời từ bất động sản cũng là một điểm mạnh.

Tổng thu nhập hiện nay về cho vay mua nhà ở theo chuỗi giá trị tại Techcombank là khoảng 62.000 tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2016. Trong đó, nếu tính tổng cả hai mảng vừa nêu thì tỉ lệ rủi ro chỉ còn 66% so với tổng dư nợ.

“Với tỉ lệ nợ xấu khá là thấp thì thật sự mà nói cứ mỗi lần nói đến việc kinh doanh bất động sản thì có lẽ các anh chị ở đây sẽ hay nghĩ là chúng tôi đang chơi với lửa. Tuy nhiên trong thực tế, chúng tôi đang dùng lửa để có thể nấu các món ăn ngon”, bà Phượng nói.

Lý giải điều này, bà Phượng cho rằng, mặc dù dư nợ bán lẻ của nhóm khách hàng vay tiền mua nhà tăng 1,9 lần tính từ năm 2016, nhưng tài sản của họ ở Techcombank thì đã tăng 3,9 lần từ thời điểm đó cho đến tháng 6/2019. Hiện nay đã đạt 19.500 tỷ đồng, bao gồm: các khoản gửi tiết kiệm, các khoản trái phiếu đầu tư, tài sản của khách hàng vay mua nhà.

Cùng với đó, doanh thu ở nhóm khách hàng này từ những sản phẩm không phải là sản phẩm cho vay mua nhà để ở đã tăng trưởng rõ rệt trong những năm qua. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn bộ doanh thu không phải là sản phẩm vay mua nhà để ở đã chiếm gần 26% trong tổng doanh thu của nhóm khách hàng này.

Bà Phượng cũng cho biết thêm, kiếm lời từ bất động sản, nhất là mảng cho vay mua nhà sẽ là xu hướng mà Techcombank tiếp tục làm để tăng trưởng doanh thu cũng như cung cấp, gắn kết bền chặt với khách hàng để gia tăng niềm tin khách hàng.

Đầu tư bất động sản vẫn có lời

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, thực tế thị trường bất động sản vẫn đang tăng trưởng. Có chăng, nếu giảm thì chỉ giảm thanh khoản chứ giá bất động sản không hề giảm. Ở một số vùng ven, nhất là khu vực từ Nhơn Trạch đến Vũng Tàu, giá bất động sản tăng vọt. Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng, đầu tư vào bất động sản ban đầu cứ tưởng không có lời nhưng cuối cùng lại lời không tưởng.

"Hồi năm 2011, trong quá trình đi tư vấn cho một doanh nghiệp thì tôi cũng đã đầu tư một dự án bất động sản ở vùng ven. Lúc đó mua xong về cứ nghĩ mình ngu... Nhưng bây giờ nghe báo giá và ngồi tính hết lại cả vốn đầu tư, lãi suất thì thấy mình vẫn có lời", ông Đinh Thế Hiển nói.

Ông Đinh Thế Hiển cũng chia sẻ thêm, hiện tại đang có rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp liên tục tìm đến ông để nhờ tư vấn nên mua bất động sản ở đâu. Cho nên, có thể thấy người dân vẫn thấy được cái lợi khi đầu tư bất động sản. Thực tế, bất động sản vẫn đang là ngành "hot" và số đông khách hàng, nhà đầu tư vẫn rất "xung lực", sẵn sàng chờ cơ hội để mua bất động sản nhằm chờ thời cơ bán lại kiếm lợi nhuận.

Ông Hiển cũng dẫn thêm một ví dụ khác để minh chứng cho sự tăng trưởng, phát triển không ngừng của ngành bất động sản. Đó là câu chuyện, trước đây một nhân viên sale trong công ty bất động sản mà ông nhận tư vấn đã bỏ nghề sales để về làm chuyên viên tư vấn. Nhưng đến nay, nhân viên ấy lại bỏ nghề tư vấn để quay trở lại làm sale bất động sản vì nhận ra rằng thị trường bất động sản vẫn đang rất sôi động và có thể sẽ tạo ra "cú hích" vào 6 tháng cuối năm nay.

Theo Diaoconline