Thứ 6, 18/10/2019, 15:00
Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định không đồng ý cho thực hiện chỉ định thầu đối với dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Phối cảnh Sân bay Quốc tế Long Thành - Hình ảnh minh họa: Internet
Chiều 17-10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thay mặt Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) về dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn một.
Tán thành điều chỉnh diện tích đất
Theo đó, Chính phủ kiến nghị QH xem xét, ban hành nghị quyết thông qua một số nội dung về sân bay Long Thành. Cụ thể, điều chỉnh diện tích đất giai đoạn một từ 1.165 ha lên khoảng 1.810 ha. Điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng. Việc điều chỉnh này nhằm có khu vực dùng riêng thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Chính phủ khẳng định đề xuất điều chỉnh nêu trên không làm thay đổi tổng diện tích đất dùng cho dự án (5.000 ha) đã được QH thông qua.
Bên cạnh đó, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 1 (dài 3,8 km, kết nối phía tây của sân bay với quốc lộ 51) và 2 (dài 3,5 km, kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) vào giai đoạn một của dự án để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.
Chính phủ kiến nghị QH giao Chính phủ chỉ đạo công tác thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư đã được QH thông qua.
“Về hình thức đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn một, tổng mức đầu tư hơn 111.000 tỉ đồng, Chính phủ đề xuất QH thông qua việc giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đầu tư các hạng mục chính” - ông Thể nói.
Trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết: Ủy ban Kinh tế tán thành với kiến nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh tăng diện tích đất. Đồng thời, đồng ý việc điều chỉnh đất quốc phòng để bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Về tổng mức đầu tư, Ủy ban Kinh tế cho rằng do dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, quy mô phức tạp, hội đồng thẩm định sẽ có ý kiến cụ thể sau khi có kết quả thẩm tra cuối cùng của tư vấn thẩm tra trong bước trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Báo cáo cũng nhận định việc Chính phủ đề xuất lựa chọn ACV và VATM đầu tư, khai thác sân bay là áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu về chỉ định thầu đối với nhà đầu tư và thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
“Trường hợp việc lựa chọn nhà đầu tư không áp dụng quy định trên mà cần trình QH xem xét, quyết định về cơ chế, chính sách đặc biệt thì đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ thêm về lý do, cơ sở pháp lý để có căn cứ xem xét, quyết định…” - ông Thanh nói.
Chỉ sợ chỉ định thầu vì lợi ích cá nhân
Cho ý kiến về các nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Võ Trọng Việt đặt vấn đề: Vừa qua các dự án đường sắt làm đúng quy định nhưng vẫn đội vốn. Với dự án này, nếu vẫn đúng quy định, Trung Quốc có trúng thầu và tiếp tục câu chuyện đội vốn và kéo dài thời gian thi công không?
Đi cụ thể vào dự án, ông Việt kiến nghị Ủy ban Thường vụ cần trình QH các vấn đề Chính phủ nêu. “Để anh em ở đây có niềm tin, xả thân vào làm, làm trong sạch, không vì lợi ích riêng” - ông Việt nói
Về nhà đầu tư dự án, ông Việt cho rằng nếu bây giờ đấu thầu chắc chắn nhà đầu tư Trung Quốc vào. Trường hợp chỉ định thầu, 5-10 năm sau những người quyết định chỉ định thầu này có “an toàn” không? “Chính phủ xin QH, QH nói vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tôi nói ý này là để hai bên cùng chia sẻ, gánh vác với nhau để thành công dự án” - ông Việt nêu quan điểm và cho rằng trong nước đủ năng lực “nên giao và ủng hộ anh em làm”.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng ủng hộ Chính phủ đề xuất lựa chọn ACV và VATM đầu tư, khai thác cảng. “Cái gì có lợi, không gây phiền hà, đỡ mất thời gian, không tốn kém, thấy có hiệu quả thì quyết định; chỉ sợ cố tình làm chuyện đó vì lợi ích cá nhân, chứ vì nước vì dân thì tôi rất ủng hộ” - ông Dũng nhận xét.
Về chọn nhà thầu sau này, ông Dũng cho rằng không chọn những nhà thầu “viết hay, nói giỏi”. Theo ông, dự án có nhiều hạng mục liên quan tới cơ khí, trong khi đó hiện cơ khí Việt Nam làm được nhiều việc, do vậy cần tin tưởng, phối hợp với các doanh nghiệp trong nước lại để làm. “Chính những công trình lớn như thế này là cơ hội để công nghệ Việt Nam phát triển, cơ khí Việt Nam khẳng định với thế giới” - ông Dũng đánh giá.
Ý kiến thêm, Bộ trưởng Thể cho biết trong nước hiện nay chỉ có ACV đủ các điều kiện. Tập đoàn Sun Group mới đầu tư sân bay Vân Đồn nhưng vận hành phải thuê ACV. “Nếu đấu thầu sẽ không chọn được ba đơn vị tham gia, lại phải quay lại chỉ định thầu khiến dự án kéo dài…” - bộ trưởng lo ngại.
Kết luận, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch QH, cho rằng: QH chỉ cho ý kiến những vấn đề gì mà luật không có. Những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ phải quyết định và chịu trách nhiệm. “Cụ thể, việc đấu thầu hay chỉ định thầu dự án thuộc thẩm quyền Chính phủ, QH không chỉ định thầu…” - ông Hiển khẳng định.
“Đầu năm 2021 phải khởi công dự án”
Theo Bộ GTVT, giai đoạn một dự án sẽ đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm cùng các hạng mục phụ trợ.
Ngày 16-10, tại Đồng Nai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng. Tại đây, phó Thủ tướng yêu cầu khi có dự án được phê duyệt, lập tức lựa chọn các nhà thầu, mua sắm thiết bị. Đầu năm 2021 phải khởi công giai đoạn một dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Theo Pháp luật PLO