Thứ 2, 15/07/2019, 15:00
Là một trong 5 Quốc gia có tỷ lệ tầng lớp trung lưu tăng nhanh nhất thế giới, đây là tín hiệu vui cũng như cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong giai đoạn 2014 – 2016, tính toán của World Bank cho thấy trung bình mỗi năm Việt Nam có 1,5 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu. Với mức bình quân này, tạm tính đến năm 2018, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam chiếm 16,3% dân số.
Nhóm trung lưu chiếm khoảng 16,3% dân số
Tầng lớp trung lưu được hiểu theo khái niệm của World Bank là nhóm người có mức sống trên 15 USD/ngày.
Báo cáo Đông Á phục hưng: Điều hướng trong một thế giới đang thay đổi của World Bank nhận định Việt Nam là một trong năm quốc gia trong khu vực (bên cạnh Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines) có nhóm người trung lưu gia tăng mạnh mẽ.
Giai đoạn 2010 – 2016, tầng lớp này tại Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể, từ 7,7% dân số năm 2010 thành 13,3% năm 2016. Tính từ năm 2014 đến năm 2016, trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người gia nhập nhóm trung lưu. Nếu dùng mức tăng bình quân tạm tính này thì đến năm 2018, tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 16,3% dân số Việt Nam.
Tỷ lệ tầng lớp trung lưu/dân số hàng năm giai đoạn 2010-2018 (số liệu World Bank)
Như vậy có thể thấy một lượng dân số Việt Nam đang có sự dịch chuyển tích cực lên các bậc kinh tế cao hơn. Điều này cũng thể hiện tỷ lệ nghèo giảm qua từng năm.
Tầng lớp trung lưu là động lực mới cho kinh tế?
Đánh giá về sự phát triển của bộ phận trung lưu, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nhấn mạnh tầng lớp này có vai trò hết sức quan trọng với kinh tế, xã hội.
Thứ nhất, nhóm trung lưu phát triển không chỉ kéo theo cầu tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh mẽ trên nhiều phương diện, mà còn cho thấy mức tiết kiệm của tầng lớp này cũng ngày càng tăng.
Điều này không chỉ góp phần quan trọng phản ảnh đầu ra và đầu vào của nền kinh tế được thông suốt hơn, mà còn phản ánh chất lượng tăng trưởng kinh tế của nước ta cũng được cải thiện hơn, nền kinh tế phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu bởi sức mạnh nội vi của nền kinh tế. Do đó, hạn chế tối đa được những tác động tiêu cực ngoại vi, nhất là những biến động, suy thoái tiềm ẩn từ các thị trường xuất khẩu của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Dưới góc độ tiêu dùng, chi tiêu của cá nhân hay của hộ gia đình là một thành tố quan trọng cấu thành GDP. Như vậy, khi bộ phận trung lưu ở Việt Nam gia tăng nhanh và quy mô ngày càng được mở rộng, mức chi tiêu của họ sẽ ngày một nhiều hơn, kéo theo sự gia tăng tổng mức chi tiêu trong toàn xã hội và kết quả là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Số liệu do World Bank công bố gần đây cho thấy, chi cho tiêu dùng của hộ gia đình trong giai đoạn 2014-2018 và dự báo đến 2021 đóng vai trò ngày một quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vì nó chiếm tỷ trọng cao nhất so với các yếu tố cơ bản có đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng GDP Việt Nam (nguồn: World Bank, tháng 4/2019)
Dưới góc độ đầu tư, đầu tư tư nhân cũng là một cấu thành quan trọng cho phát triển. Vì vậy, khi tầng lớp này gia tăng có nghĩa là số người đảm bảo chi tiêu trên 15 USD/ngày/người tăng sẽ cho thấy mức tiết kiệm của họ cũng ngày càng tăng. Đây là nguồn vốn lớn có thể huy động cho đầu tư phát triển nói chung nếu các cơ quan, tổ chức có những chính sách huy động hợp lý nguồn tài chính nhàn rỗi.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (% GDP), nguồn GSO
Thứ hai là tác động đối với việc nâng cao chất lượng và năng suất lao động.
Sự gia tăng số lượng trong tầng lớp trung lưu tất yếu cũng phản ánh chất lượng và năng suất lao động trong nền kinh tế tăng bởi nó được biểu hiện ở nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến yếu tố thu nhập tăng. Thu nhập tăng chính là nhân tố tổng hợp phản ánh chất lượng và năng suất lao động được cải thiện.
Đa số những người thuộc nhóm này đều có trình độ, kỹ năng, tay nghề và có việc làm, nghề nghiệp ổn định, nên sự gia tăng số lượng trung lưu sẽ kéo theo sự cải thiện về chất lượng cũng như năng suất lao động toàn xã hội.
Thứ ba là tác động đối với với công cuộc xoá đói, giảm nghèo. Sự phát triển của tầng lớp trung lưu có vai trò đi tiên phong trong giảm nghèo và hỗ trợ thiết thực cho tầng lớp nghèo và dễ bị tổn thương cải thiện mức sống.
Tại Việt Nam, số liệu của World Bank cho thấy đến năm 2016, 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, hơn 13% dân số thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Trong khi đó, số người dễ bị tổn thương về kinh tế cũng đã giảm từ 32% năm 2010 xuống còn 21,1% năm 2016.
Ngoài ra, tầng lớp trung lưu còn giữ vai trò quan trọng đối với đổi mới sáng tạo và kiến tạo chính sách phát triển.
Là lực lượng ngày càng quan trọng trong xã hội đa giai tầng, nên sự phát triển của tầng lớp trung lưu kéo theo những biến đổi về cơ cấu dân số, lực lượng lao động, sự phân tầng xã hội và các mối quan hệ trong xã hội. Đây là những yếu tố quan trọng buộc mỗi quốc gia phải chú trọng khi nghiên cứu, xem xét để hoạch định chính sách và chiến lược phát triển đất nước. Bên cạnh đó, sự phát triển của nhóm này cũng được sự dụng làm cơ sở tham chiếu cho việc sửa đổi, bổ sung chính sách hoặc xây dựng các chính sách mới...
NCIF nhận định trong bối cảnh tầng lớp trung lưu liên tục tăng nhanh, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách định hướng phát triển nhóm này với tư cách là bến vươn tới, đích đến của các tầng lớp có mức sống thấp hơn và để đồng hành với sự phồn vinh của đất nước, góp phần tích cực vào việc hóa giải những mâu thuẫn, xung đột.
Tầng lớp trung lưu nên được xem là "cầu nối tự nhiên" giữa tầng lớp giàu và tầng lớp nghèo, theo đó làm giảm đi tối đa những tiềm ẩn tiêu cực có thể này sinh trong xã hội, đồng thời góp phần tạo nền tảng vững chắc cho khối đại đoàn kết trong toàn xã hội.
Theo CafeF