Thứ 5, ngày 05/03/2020, 10:10,
Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức ký kết được xem là tín hiệu tích cực viết lên diễn biến mới cho thị trường BĐS năm 2020.
Khác với nhịp ra hàng sôi động thường thấy sau Tết, thị trường bất động sản năm 2020 khởi động đầy ảm đạm. Các buổi lễ khởi công tạm hoãn, giao dịch đều hủy bỏ,… do ảnh hưởng từ dịch virus Corona cũng như nhiều dự án bị ách tắc do quá trình rà soát, phê duyệt của cơ quan chức năng.
Trước những diễn biến nói trên, nhiều người e ngại về một bức tranh BĐS u ám. Tuy nhiên, sự kiện EVFTA ký kết thành công ngày 12/2 được xem là tín hiệu đáng mừng, cơ sở mở ra những chuyển biến tích cực cho thị trường BĐS.
BĐS công nghiệp Việt Nam: Tự tin bước vào "vận hội mới"
Năm 2019, BĐS công nghiệp được xem là điểm sáng trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn. Theo báo cáo của CBRE, cuối năm 2019, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp tại các tỉnh thành phố lớn phía Bắc và Nam đạt hơn 92%, giá thuê tăng gấp 30 – 40% so với 2 – 3 năm trước.
Giải thích cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của BĐS công nghiệp năm 2019, Việt Nam được đánh giá là đang đón nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, trong đó có nhóm NĐT từ EU "đón sóng" EVFTA, cũng như hưởng lợi diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Đầu năm 2020, thỏa thuận thành công EVFTA được xem là "chất xúc tác" bổ sung thêm những điều kiện thuận lợi để BĐS công nghiệp tăng tốc. Dễ nhận thấy, 99% dòng thuế được cắt giảm về 0% sau 7 năm đầu tiên của hiệp hội sẽ "rộng cửa" sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kéo theo chuyển dịch quy mô lớn các nhà máy sản xuất về Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả này không phải là hưởng lợi trong thế chờ đợi mà là cả một nền tảng đã được xây dựng trong suốt thời gian qua. Ở góc độ chuyên gia, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn & Giao dịch CBRE nhấn mạnh việc Chính phủ đã đầu tư rất lớn vào hạ tầng cảng biển, hạ tầng cao tốc, sân bay,…
Chủ động nắm bắt thời cơ EVFTA, BĐS công nghiệp Việt Nam cũng nhanh chóng "phản hồi" thị trường, tiếp tục xây dựng và mở rộng để đón đầu sức cầu lớn. Theo đó, có khoảng 18.290 ha đất tại phía Nam đã được định hướng cho phát triển công nghiệp, tập trung phần lớn ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
BĐS vệ tinh: Hưởng lợi nhờ quy hoạch
Xét toàn cảnh quy hoạch chung Tp.HCM đến năm 2025, thành phố sẽ phát triển về 4 hướng: Bắc, Nam, Đông, Tây. Trong đó, khu Tây được giới chuyên gia đánh giá sớm "hưởng lợi" từ cuộc dịch chuyển nhân lực từ EU nhờ triển vọng dựa trên những lợi thế sẵn có: quy hoạch bài bản, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, sở hữu sân bay Tân Sơn Nhất cùng đinh hướng phát triển khu công nghiệp sạch
Cụ thể, quyết định phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc Tp.HCM vừa qua đã nhấn mạnh các KCN điều chỉnh theo hướng công nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao, dịch vụ công nghệ cao. Định hướng này không chỉ dự báo tiềm năng mở rộng của BĐS công nghiệp trong khu vực mà hướng tới sự phát triển bền vững, đồng bộ với quy hoạch chung khu Tây.
Khu Tây từng bước thay đổi diện mạo nhờ đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng
Bên cạnh đó, sức hút của khu Tây còn đến từ cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Vị trí cửa ngõ của khu Tây mang ý nghĩa chiến lược, là nơi lưu thông trọng điểm, kết nối xuyên tâm với nội đô thông qua loạt tuyến đường đã và sớm được triển khai như: tuyến đường Võ Văn Kiệt, Cộng Hòa, Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý,… Đồng thời, cửa ngõ khu Tây có trách nhiệm liên kết nội đô với toàn bộ tỉnh miền Đông, miền Tây với các tuyến đường đang gấp rút hoàn thiện: nút giao thông An Sương (quận 12), cầu vượt ngã tư Gò Mây, vành đai 2, vành đai 3,…
Không chỉ tạo thành một trục lưu thông xuyên suốt, khu Tây còn sở hữu lợi thế lớn là sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến mở rộng nhà ga T1, T2 nâng khả năng đón tiếp lên 30 triệu khách/năm, đồng thời xây dựng thêm nhà ga T3 với công suất đáp ứng 20 triệu khách/năm.
Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi, thương mại, giải trí, y tế, giáo dục đang ngày càng hiện hữu, tạo thành tổng thể quy hoạch chặt chẽ, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân.
Có thể thấy, những chuyển biến tích cực trong diện mạo đô thị nói trên là sự chuẩn bị kỹ lưỡng để khu Tây đón nhận cơ hội EVFTA quyết liệt hơn, tăng tốc hơn. Đây cũng là lợi thế sẵn có giúp khu Tây "lọt mắt xanh" của nguồn nhân lực cao cấp Eu khi tới Việt Nam. Các chuyên gia dự đoán, sức cầu các sản phẩm văn phòng cho thuê, căn hộ cho thuê và để ở phân khúc hạng A sẽ gia tăng, bất chấp nguồn cung đang giảm do siết chặt pháp lý và tín dụng BĐS.
Cụ thể, nhu cầu văn phòng cho thuê sẽ ưu tiên cửa ngõ phía Tây – nơi tập trung nhiều trụ sở, văn phòng hành chính, vừa thuận tiện kết nối với nội đô, vừa dễ dàng di chuyển tới các cụm, khu công nghiệp quanh khu vực như: KCN Tân Bình, KCN Tân Tạo,… Cộng thêm đó, luồng giao thông thuận tiện tích hợp sân bay có vai trò lớn trong quá trình vận chuyển hàng hóa của các cụm, khu công nghiệp, giúp cạnh tranh chi phí sản xuất. Với căn hộ cho thuê và để ở, nhóm khách hàng cao cấp này sẽ tìm đến những sản phẩm chất lượng, pháp lý rõ ràng và ưu tiên những CĐT có tên tuổi trên thị trường trong nước & quốc tế.
Nhìn chung, EVFTA đang mở ra những cơ hội lớn cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Từ đó, thị trường BĐS cũng hé lộ những điểm sáng tích cực trong năm 2020.
Theo DiaOcOnline.vn