Thứ 7, ngày 06/06/2020, 11:45,
Phó Thống đốc NHNN, Nguyễn Thị Hồng cho biết, một số ngân hàng có thể được xem xét nâng "room" tín dụng nếu đáp ứng được một số điều kiện...
Tại cuộc họp báo diễn ra chiều qua (5/6), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, có 3 thách thức lớn với ngành ngân hàng từ nay đến cuối năm là vấn đề tăng trưởng tín dụng, việc giảm lãi suất và nợ xấu.
Đến ngày 29/5, tín dụng mới chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Lãnh đạo NHNN giải thích, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn nên vẫn chưa có nhu cầu vay vốn mới dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Dù Việt Nam đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh nhưng diễn biến trên thế giới vẫn rất phức tạp. Trong khi đó, độ mở nền kinh tế của Việt Nam là rất lớn nên khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, doanh nghiệp trong nước cũng bị ảnh hưởng.
“Hiện tại, tăng trưởng tín dụng đang rất thấp do nhu cầu vay mới chưa nhiều. Tuy nhiên, khi đại dịch kết thúc thì hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng đảm bảo nguồn vốn cung ứng cho doanh nghiệp và người dân trở lại hoạt động bình thường”, Phó Thống đốc khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Hồng NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục xem xét để thực hiện điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Điều này đang trong quá trình xem xét, phân tích và đánh giá. Việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng là cần thiết nhưng tăng trưởng phải đi cùng với việc kiểm soát được rủi ro.
Đối với việc có giảm tiếp lãi suất điều hành hay không, Phó Thống đốc cho biết, chính sách tiền tệ năm nay sẽ được điều hành phù hợp với diễn biến và bối cảnh. Mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong khi đó, đối với vấn đề nợ xấu, lãnh đạo NHNN cũng cho biết, khả năng nợ xấu sẽ tăng trong năm nay.
Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát, NHNN cho biết, trong thời gian qua, các TCTD đã áp dụng rất nhiều biện pháp kiểm soát nợ xấu. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống được kiểm soát dưới 2%. Tuy nhiên, trong 3 tháng gần đây, nợ xấu tiềm ẩn có xu hướng tăng. Dù vậy, ông khẳng định, nợ xấu vẫn đang nằm trong kiểm soát.
Theo CafeF.