Thứ 7, 13/07/2019, 16:00
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được hi vọng sẽ tăng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng thực tế không phản ảnh đúng. Trong 6 tháng đầu 2019, vốn FDI chỉ tăng chưa tới 10%.
Hình ảnh minh họa: Internet
Trung Quốc "mạnh tay" rót tiền vào Việt Nam
Báo cáo mới nhất của VEPR nhận định dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng bất ổn qua các quý từ năm 2018 đến nay.
Theo đó, dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung từ năm 2018 được hi vọng sẽ gia tăng dòng vốn vào Việt Nam nhưng thực tế không phản ánh điều đó. Trong 6 tháng đầu năm, vốn FDI tăng 9,7%, tức cao hơn mức 8,5% của cùng kì năm ngoái, nhưng chưa đuổi kịp được tốc độ của khu vực ngoài nhà nước. Tính đến cuối tháng 6, 1.723 dự án cấp phép mới số, tăng 26,1% vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Số liệu cũng cho thấy công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là nơi thu hút FDI lớn nhất, chiếm 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới. Vốn vào bất động sản cũng tăng, chiếm 10,8% tổng vốn và 6,5% vốn đăng ký mới.
Nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng cần lưu ý tới khả năng dư thừa lương cung trên thị trường bất động sản hoặc hiện tượng bong bóng.
Về đối tác, trong 6 tháng đầu năm Trung Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với tổng số vốn đăng ký mới đạt 1.676,8 triệu USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc với 1.239,2 triệu USD, Nhật Bản với 972 triệu USD, Hongkong với 920,8 triệu USD.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng cao và hiệp định CPTPP khiến Trung Quốc đang đầu tư ngày càng nhiều hơn vào Việt Nam, theo VEPR. Hiện tại tổng vốn đăng ký mới của riêng Trung Quốc đã chiếm 22,6% tổng vốn.
Câu hỏi về khả năng hấp thụ dòng vốn FDI
"Chiến tranh thương mại bộ lộ điểm mạnh và điểm yếu của kinh tế Việt Nam", PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định. Theo ông, Việt Nam là nước ở tầm trung trong chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới, do vậy, dù có sự dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc thì những công ty tốt nhất cũng không chọn Việt Nam.
"Các doanh nghiệp lớn của Mỹ, Nhật chuyển đến Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Nguồn vốn tại Việt Nam cũng có tăng lên nhưng là từ các công ty tầm trung với công nghệ tương ứng", ông Thành nói.
Điều này theo ông Thành mang hàm nghĩa: Các nhà sản xuất trong khu vực cũng không đánh giá quá cao Việt Nam về mặt lao động, phát triển thị trường cũng như về thể chế.
TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo & Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV cho biết ông thường được các chuyên gia nước ngoài hỏi về khả năng hấp thụ dòng vốn của Việt Nam khi FDI đổ dồn vào.
Để hấp thụ được dòng vốn, theo ông Lực cần có 4 yếu tố. Thứ nhất là thể chế, hay nói một cách đơn giản là môi trường đầu tư. "Việt Nam đã có quyết tâm cải thiện, có kết quả được quốc tế và cộng đồng trong nước ghi nhận, nhưng đâu đó vẫn có sự trì trệ", ông Lực thẳng thắn nói.
Thứ hai là vấn đề cơ sở hạ tầng – một yếu tố quan trọng khi các nhà đầu tư quyết định dịch chuyên cơ sở sản xuất sang một nước khác. Ông Lực cho rằng không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm hiểu Quảng Ninh, Hải Phòng. "Những địa phương này có cơ sở hạ tầng tốt".
Vấn đề thứ ba và thứ tư là những thứ rất quen thuộc, được nhắc đến rất nhiều lần. Đó là điểm nghẽn lao động có kỹ năng và sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ.
"Đáng nhẽ khi có sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam có thể tiếp nhận được nhiều hơn và có quyền lựa chọn các nhà đầu tư", ông Đức Thành nói thêm. Tuy nhiên, vì những hạn chế của mình, Việt Nam đã không làm được điều này.
Phân tích thêm về sự đổ dồn của dòng vốn Trung Quốc sang Việt Nam, TS. Võ Trí Thành cho rằng đây không phải là chuyện mới xảy ra. "Từ nhiều năm nay đã có hiện tượng này do Trung Quốc có sự thay đổi về cấu trúc kinh tế và giá nhân công", ông nói.
Mặt khác, nhiều quốc gia đang đầu tư vào Trung Quốc cũng có sự biến đổi về chiến lược, tiến đến chính sách Trung Quốc + 1. "Chiến tranh thương mại chỉ là một chất xúc tác", ông Trí Thành nói.
Theo ông, Việt Nam cũng đang bắt đầu giai đoạn thu hút FDI mới, từ số lượng chuyển sang chất lượng. Do vậy, nền kinh tế 96 triệu dân phải nhanh chóng thay đổi, có sự chọn lọc, gắn với chiến lược mới, để có sự phát triển như mong muốn.
Theo Cafef