Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN) bao gồm 8 tỉnh – thành thuộc cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Chiếm gần 17% dân số, hơn 8% diện tích, sản xuất hơn 42% GDP, gần 40% kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp gần 60% ngân sách quốc gia, VKTTĐPN là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất, là trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính hàng đầu cả nước.
GDP tính theo đầu người của VKTTĐPN cao gần gấp 2,5 lần mức bình quân cả nước; hơn 2,5 lần so với Vùng đồng bằng sông Hồng, là vùng có GDP đầu người cao thứ 2 trong nước. VKTTĐPN còn là vùng có hạ tầng cơ sở tốt nhất, có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước. Đây là những chỉ số xác định trình độ và lợi thế phát triển quan trọng bậc nhất của Vùng này so với cả nước.
Với tầm vóc và vị thế như vậy, cộng với sự năng động phát triển cao, VKTTĐPN đang đóng vai trò là động lực phát triển mạnh nhất của nền kinh tế nước ta. Tầm vóc và vị thế của Vùng là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài, với những nỗ lực to lớn và những thử nghiệm đổi mới táo bạo và quyết liệt. Trước ngày miền Nam giải phóng (1975), Sài Gòn, Gia Định và Đồng Nai đã là trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính của miền Nam. Đây là nơi tập trung các đô thị lớn, là đầu mối giao thông nối Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau giải phóng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, trên cơ sở tiếp quản di sản kinh tế và hệ thống kết cấu hạ tầng khá phát triển, tiếp tục kết nối, tạo thành tam giác tăng trưởng của Đông Nam Bộ. Trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, các địa phương thuộc VKTTĐPN hiện nay chính là các địa phương đi đầu trong đột phá cơ chế bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường.
Long An là điển hình của quá trình đột phá cơ chế một giá, với vị trí địa lý cận kề và dễ dàng tiếp cận với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nguồn lao động, dịch vụ phát triển và thị trường tiêu thụ rộng lớn của Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), cùng với hệ thống giao thông thủy bộ liên vùng thuận lợi nối liền miền Đông Nam Bộ với Đồng bằng Sông Cửu Long, Long An có nhiều lợi thế so sánh để phát triển công nghiệp. Lợi thế này được kích thích sau khi Long An gia nhập vào Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước. Theo số liệu thống kê, Long An đang ở vị trí trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về phát triển KCN. Bình Dương cải cách cơ chế, xác lập một mẫu hình mới về mối quan hệ chức năng Nhà nước – thị trường, áp dụng chính sách thu hút đầu tư phát triển một cách thông thoáng. Đồng Nai với lợi thế thừa hưởng các khu công nghiệp cũ, đã đi trước các địa phương khác trong việc xây dựng các khu công nghiệp hiện đại.
Nhờ kết cấu hạ tầng giao thông tương đối phát triển, các địa phương trong Vùng đã liên kết phát triển trong xu thế tạo thành vùng động lực của Nam Bộ và của cả nước vào đầu những năm 1990.
Mặc dầu mức độ lan tỏa phát triển đối với các địa phương lân cận chưa mạnh, song với vai trò trung tâm kết nối phát triển, TP. Hồ Chí Minh đã cung cấp thị trường, cơ hội phát triển, vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ – kỹ thuật, vv., qua đó, đóng vai trò “chủ công” cho toàn vùng Nam Bộ trong quá trình chuyển đổi và phát triển cơ chế kinh tế thị trường.
Nhờ những điều kiện địa lý, kinh tế, văn hóa, lịch sử và kinh tế, miền Đông Nam Bộ, trong mối quan hệ chặt chẽ với miền Tây Nam Bộ, lấy TP. Hồ Chí Minh làm trung tâm kết nối, đã hình thành sự liên kết phát triển một cách tự nhiên, tạo nên “vùng kinh tế” như một sản phẩm tự nhiên vốn có. Đây là một xu hướng nội tại, một lợi thế riêng có của Đông Nam Bộ và cả của vùng Nam Bộ. Việc nhận diện đúng xu hướng và lợi thế đó, có cơ chế thúc đẩy sự liên kết phát triển tư nhiên của vùng, sẽ mang lại những lợi ích phát triển đặc biện to lớn cho bản thân vùng và cho cả nước.
Vị thế địa lý – kinh tế quan trọng cùng với những yếu tố về lịch sử đã giúp VKTTĐPN trở thành vùng kinh tế mở của năng động, đóng vai trò là cửa ngõ kinh tế và cầu nối Việt Nam với thế giới. Với kim ngạch xuất khẩu chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tính theo độ mở cửa kinh tế, đo bằng tỷ trọng xuất khẩu trên GDP, VKTTĐPN có chỉ số mở cửa đạt gần 110% trong khi chỉ số cả nước chỉ khoảng 70%.